sở xây dựng

Tỉnh an giang

Thông báo

số điện thoại tiếp nhận
phản ánh kiến nghị về tthc

1

Sở Xây dựng

Điện thoại: (0296)3975.567

Email: soxaydung@angiang.gov.vn

2

Phòng Kiểm soát thủ tục hành chính

Điện thoại: 02963.957.006

Email: thutuchanhchinh@angiang.gov.vn

3

Tổ kiểm tra công vụ

Điện thoại: 02963.957.049 - 0378.247.247

Email: kiemtracongvu@angiang.gov.vn

Thông tin đường dây nóng

1

Đường dây nóng

Điện thoại: (0296)3957.567

2

Người phát ngôn

Phó Giám đốc Nguyễn Quốc Cường

Điện thoại: 02963 959386

Email: nqcuong@angiang.gov.vn

Đầu tư nhà máy xử lý rác thải tỉnh An Giang theo hình thức PPP
Tin tức sự kiện

Đầu tư nhà máy xử lý rác thải tỉnh An Giang theo hình thức PPP

02:10 27/06/2017

Lợi thế của việc đầu tư theo hình thức PPP Trong tình hình nhu cầu vốn đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật của Việt Nam nói chung và mỗi địa phương nói riêng là rất lớn, trong khi đó ngân sách nhà nước thì có hạn, vốn của các nhà tài trợ ngày càng thu hẹp, mô hình đầu tư theo hình thức hợp tác công tư (PPP) có khả năng như một đòn bẩy để huy động nguồn lực từ khu vực tư nhân cả trong và ngoài nước cho đầu tư cơ sở hạ tầng.

Responsive image
 

 

Các nước trên thế giới ngày càng có khuynh hướng chuyển dần sang khu vực tư nhân để cung cấp các dịch vụ về cơ sở hạ tầng. Mô hình PPP (ở một số nước khác nhau đôi khi có tên gọi khác nhau) trở nên hấp dẫn với Chính phủ các nước đang phát triển vì nó được đánh giá như là một cơ chế ngoài ngân sách phục vụ cho phát triển cơ sở hạ tầng. Có nhiều lý do cho sự hợp tác với khu vực tư nhân trong phát triển và cung cấp các dịch vụ về cơ sở hạ tầng, đó là:

 

- Tăng cường hiệu quả trong việc phân phối, điều hành và quản lý dự án về hạ tầng.

 

- Có các nguồn lực bổ sung để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng trong khi nguồn lực từ ngân sách nhà nước còn hạn hẹp.

 

- Có cơ hội tiếp cận và nắm bắt các công nghệ tiên tiến (cả phần cứng và phần mềm).

 

- Giúp tăng cường cung cấp các dịch vụ cơ sở hạ tầng cần thiết.

 

- Áp dụng mô hình PPP có thể không yêu cầu bất kỳ chi tiêu tiền mặt ngay lập tức qua đó giúp làm giảm gánh nặng của chi phí thiết kế và xây dựng.

 

- Cho phép chuyển nhượng nhiều rủi ro dự án sang khu vực tư nhân.

 

- Mô hình PPP giúp đưa ra những lựa chọn tốt hơn về thiết kế, công nghệ, xây dựng, sự vận hành và chất lượng cung cấp dịch vụ hạ tầng.

 

Trong mô hình PPP, việc xác lập quan hệ đối tác thông thường là qua một hợp đồng ràng buộc về mặt pháp lý hoặc một số cơ chế khác, trong đó đồng ý chia sẻ các trách nhiệm liên quan đến việc thực hiện và quản lý của các dự án cơ sở hạ tầng. Quan hệ đối tác được xây dựng trên chuyên môn của từng đối tác đáp ứng nhu cầu được xác định rõ ràng thông qua việc phân bổ thích hợp về: tài nguyên, nguồn lực; rủi ro; trách nhiệm; chế độ khen thưởng.

 

Tuy nhiên, để đạt hiệu quản như mong muốn, công tác chuẩn bị và tổ chức triển khai phải đúng đắn mới thật sự sàng lọc, lựa chọn được tốt hơn các đối tác, và hỗ trợ trong việc ra quyết định về cơ cấu của dự án, cũng như đưa ra lựa chọn thích hợp về công nghệ trên cơ sở xem xét chi phí trong toàn bộ vòng đời của dự án.

 

Có nhiều loại hợp đồng PPP, trong đó Hợp đồng Xây dựng - Thuê dịch vụ - Chuyển giao (BLT) là loại hợp đồng qua đó nhà đầu tư xây dựng công trình kết cấu hạ tầng; sau khi hoàn thành công trình, nhà đầu tư được quyền cung cấp dịch vụ trên cơ sở vận hành, khai thác công trình đó trong một thời hạn nhất định; cơ quan nhà nước có thẩm quyền thuê dịch vụ và thanh toán chi phí thuê dịch vụ cho nhà đầu tư. Loại hình hợp đồng BTL thường được sử dụng cho các dự án an sinh xã hội (như dự án môi trường, giáo dục, bệnh viện,... đặc biệt là rất phù hợp với lĩnh vực xử lý nước thải, chất thải,…), những dự án mà nguồn thu từ người sử dụng không đủ bù đắp chi phí và tạo lợi nhuận cho nhà đầu tư hoặc các dự án mà việc tiến hành thu phí trực tiếp từ người sử dụng có thể gặp khó khăn do một số nguyên nhân. Loại hình hợp đồng này không chỉ giúp tận dụng được nguồn vốn và kinh nghiệm quản lý của khu vực tư mà còn đảm bảo chất lượng dịch vụ do nguồn thu của các dự án BLT là từ khoản chi trả của Nhà nước.

Responsive image
 

 

Bối cảnh xử lý rác thải ở Việt Nam và tỉnh An Giang

Cùng với nước thải, chất thải rắn sinh hoạt đã và đang trở thành vấn đề “nóng” trong công tác quản lý đô thị, không chỉ ở Việt Nam mà còn ở hầu hết các nước trên thế giới, kể cả các nước công nghiệp phát triển. Tại Việt Nam, ô nhiễm môi trường do chất thải rắn sinh hoạt không những chỉ xảy ra ở các thành phố lớn (thủ đô Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ, …) mà còn xảy ra ở tất cả các khu dân cư tập trung, các đô thị, thậm chí cả ở các vùng nông thôn và thường xuyên được phản ảnh trên các phương tiện thông tin đại chúng. Nhiều trường hợp ô nhiễm xảy ra nghiêm trọng, trên diện rộng  với thời gian dài. Rác thải sinh hoạt là vấn đề cần phải giải quyết ở nhiều địa phương trên cả nước. Từ trước đến nay, giải pháp chôn lấp đã và đang được áp dụng cho rác thải ở nước ta, đã bộc lộ nhiều nhược điểm không thể chấp nhận và cần phải khắc phục. Bản chất rác thải chưa được xử lý khi chôn lấp sẽ làm hao phí nhiều diện tích đất, chi phí vận chuyển tốn kém nhưng vẫn phát sinh nhiều nguồn ô nhiễm thức cấp (mùi, ruồi nhặng, ô nhiễm nguồn nước,…) gây ảnh hưởng xấu đến cảnh quan môi trường và sức khỏe con người.

 

Việt Nam là một trong các quốc gia phát triển năng động nhất trong khu vực Đông Nam Á. Với chỉ số tăng trưởng GDP bình quân trên 6%/năm cũng đem đến cho Việt Nam nhiều thách thức về vấn đề xã hội trong đó bao gồm cả các vấn đề về xử lý khối lượng chất thải sinh hoạt khổng lồ hàng năm. Việc tìm kiếm địa điểm để xây dựng các bãi chôn lấp tại các thành phố lớn trở nên ngày càng khó khăn do tốc độ công nghiệp hóa và đô thị hóa tại đây. Lượng chất thải rắn thông thường chiếm khoảng 80% tổng lượng chất thải rắn phát sinh. Trong khi đó, dịch vụ thu gom mới chỉ đạt khoảng 75% trên toàn quốc. Hầu hết các bãi chôn lấp, 70-80%, là các bãi mở không hợp vệ sinh. Chính vì vậy, có thể nói nhu cầu giảm thiểu khối lượng chất thải chôn lấp thông qua phân loại chất thải tại nguồn, tái chế, các biện pháp xử lý trung gian cũng như xây dựng các bãi chôn lấp hợp vệ sinh là nhu cầu cấp bách hiện nay tại Việt Nam.

 

Theo Kế hoạch xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh An Giang giai đoạn 2016 - 2020, ước tính đến năm 2020, toàn tỉnh An Giang có khoảng 1.900 tấn rác/ngày, với tỷ lệ thu gom khoảng 80% thì khối lượng chất thải rắn phải thu gom, xử lý của toàn tỉnh là khoảng  trên 1.500 tấn/ngày. Tỉnh An Giang xác định đây là một áp lực rất lớn, cần phải có kế hoạch, giải pháp thích hợp.

 

Phương án thực hiện được đề xuất để lựa chọn

Theo chủ trương xã hội hóa, các địa phương có thể thực hiện xã hội hóa đối với việc đầu tư/vận hành các khu xử lý chất thải rắn trên địa bàn mình. Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa với việc chính quyền địa phương không đóng vai trò gì trong lĩnh vực này. Trên thực tế, không dễ dàng để mô tả vai trò của chính quyền địa phương trong chủ trương xã hội hóa này, nhưng thiếu đi vai trò này, chắc chắn các cơ sở xử lý chất thải rắn sẽ không thể được xây dựng và vận hành một cách phù hợp.

          Trong điều kiện kinh tế xã hội hiện nay, tỉnh An Giang cần phải lựa chọn một giải pháp công nghệ xử lý rác thải sinh hoạt đảm bảo các yêu cầu về môi trường đồng thời đáp ứng các tiêu chí xử lý triệt để rác thải (phát sinh mới kể cả rác tồn cũ chưa xử lý) với chi phí đầu tư, thời gian vận hành và thiết bị công nghệ hợp lý nhất trong điều kiện có thể. Vì thế, phương án được lựa chọn tối ưu của tỉnh hiện nay là đầu tư các dự án nhà máy xử lý chất thải rắn ở tỉnh An Giang theo hình thức PPP.

          Việc xúc tiến đầu tư các dự án nhà máy xử lý chất thải rắn ở tỉnh An Giang theo hình thức PPP là hết sức cấp thiết được các cấp lãnh đạo quan tâm và chỉ đạo nhanh chóng thực hiện. Các dự án nhà máy xử lý chất thải rắn ở tỉnh An Giang đang được triển khai là hoàn toàn phù hợp với Quy hoạch quản lý chất thải rắn tỉnh An Giang và Kế hoạch xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh đã được UBND tỉnh phê duyệt.

LMĐ

Copyright © 2018 soxaydung.angiang.gov.vn.All Rights Reserved